Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đầu tiên ở Trường CĐSP Điện Biên

0
1229

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Miên – Phó Trưởng khoa Xã hội, Trường CĐSP Điện Biên cùng 5 Tiến sĩ thuộc các viện nghiên cứu, các trường Đại học, Học viện trên cả nước được vinh danh là Tiến sĩ Sử học xuất sắc có đóng góp lớn cho ngành khoa học lịch sử Việt Nam và nhận giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 21, năm 2020.

Sáng 29-11-2020, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm và Tọa đàm khoa học “Phạm Thận Duật và một Việt Nam nằm giữa các đường biên” trong dịp kỷ niệm 135 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật – nhà sử học, nhà văn hóa lớn của thế kỷ XIX. Nhân dịp này, Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cũng được trao cho những luận án Tiến sĩ khoa học lịch sử xuất sắc nhất trong năm qua.

Danh nhân Phạm Thận Duật là một đại thần triều Nguyễn, Ông cùng với Tôn Thất Phan thay mặt triều đình vua Tự Đức ký vào bản Hòa ước Giáp Thân 1884 (Hòa ước Patenotre). Ông là một nhà sử học nổi tiếng, từng giữ chức vụ Phó tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám, là người duyệt cuối cùng bản Quốc sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, từng là thầy dạy học cho hai hoàng thân là vua Dục Đức và Đồng Khánh sau này. Với tài năng, trí tuệ, đạo đức và những đóng góp to lớn của mình ông là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật thành lập ngày 15/8/2000. Đây là giải thưởng đầu tiên trong lĩnh vực Sử ở Việt Nam và là giải thưởng chính thức và duy nhất của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Giải thưởng nhằm tôn vinh các tài năng sử học, vinh danh các tiến sĩ sử học xuất sắc Việt Nam và nước ngoài có đóng góp lớn cho ngành khoa học lịch sử Việt Nam.

Ban tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Miên với niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, ngày 20 tháng 12 năm 2019, đã bảo vệ thành công luận án “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ từ năm 1996 đến năm 2016” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Công trình nghiên cứu đã có những đóng góp to lớn về mặt lý luận và thực tiễn và đã được Hội đồng khoa học đánh giá xuất sắc. Sự xuất sắc của Luận án không chỉ bởi NCS đã hoàn thành nó trước thời hạn một năm, mà bên cạnh luận án, NCS đã có tới 13 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học, hội thảo trong nước và Quốc tế.

Điều đặc biệt, đây là Tiến sỹ đầu tiên sau 21 năm nhận giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đến từ một trường cao đẳng sư phạm ở một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới khó khăn như tỉnh Điện Biên.

Tân Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Miên trong Lễ bảo vệ Luận án

Được hỏi về cảm xúc của mình khi đạt giả Ba – giải thưởng danh giá mang tên danh nhân Phạm Nhật Duật, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Miên chia sẻ: “Nhận giải thưởng Sử học danh giá – Giải thưởng Khoa học Lịch sử Việt Nam mang tên Phạm Thận Duật dành cho những tiến sĩ Sử học xuất sắc là niềm vinh dự lớn của tôi và quê hương Điện Biên phủ anh hùng. Với sự phấn đấu học tập, nghiên cứu không mệt mỏi tại Viện Lịch sử Đảng- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau 3 năm từ 2016 đến 2019, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ NCS và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Lịch sử Đảng và được Hội đồng bảo về Luận án cấp Học viện đề nghị được tham gia xét giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Qua quá trình xét giải nghiêm ngặt của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tôi đã đạt giải Ba. Trong không khí trang trọng của Lễ nhận giải thưởng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, khi tên tôi được xướng lên cùng với tên Trường CĐSP tỉnh Điên Biên đã gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự ngạc nhiên, trầm trồ tán thưởng của hàng trăm nhà khoa học lịch sử trên mọi miền đất nước và mọi người có mặt trong buổi lễ. Giây phút ấy tôi cảm thấy vô cùng tự hào, vì tôi hiểu rằng mình đã làm được điều tưởng chừng như không thể. Bởi qua 21 mùa giải các Tiến sĩ nhận giải đều đến từ các viện nghiên cứu, các trường Đại học lớn. Còn tôi, đến từ một trường CĐSP của một tỉnh miền núi xa xôi. Với giải thưởng này tên tỉnh Điện Biên đã trở thành tỉnh thứ 10 cùng với 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng được ghi danh trong bảng vàng danh dự của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Và tôi hiểu rằng, cuộc đời này hãy dám ước mơ, hãy cứ nỗ lực phấn đấu, hãy cứ tin tưởng và hãy đổi những giọt mồ hôi đắng sẽ nhận về trái ngọt. Niềm vui, niềm vinh dự được nhân đôi vì tôi đã góp phần nhỏ bé giúp khẳng định vị thế của ngôi trường tôi công tác, ngôi trường tôi yêu, ngôi nhà chung của chúng tôi mang tên Trường Cao đẳng hoa Ban trắng tại quê hương Điện Biên anh hùng”./.

Tác giả: Hoàng Văn Định

BÌNH LUẬN