BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN MẦM NON THEO HƯỚNG TIẾP CẬN DỰA VÀO THỰC TẾ CƠ SỞ GIÁO DỤC Ở ĐỊA PHƯƠNG

0
610

Trước yêu cầu đổi mới của đất nước, ngành giáo dục mầm non đã và đang đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trẻ. Những phương hướng quan trọng của mục tiêu đổi mới được thể hiện trước hết trong việc đổi mới chương trình giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non. Hiện nay, mỗi nhà trường đã tự xây dỰng và phát triển chương trình giáo dục cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của trường mình, địa phương mình nhưng vẫn đảm bảo thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Quá trình Bồi dưỡng giáo viên đã và đang được các Nhà trường quan tâm. Qua đó, giáo viên được tận dụng cơ hội học hỏi hàng ngày ngay từ chính công việc của mình, cùng đồng nghiệp giải quyết các vấn đề nảy sinh bên trong quá trình học tập.

Tác giả Mạc Thị Hà cho rằng, đào tạo dựa vào nhà trường là một chương trình mới, có hiệu quả và thích hợp để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Vai trò của đào tạo dựa vào nhà trường được khẳng định: “Đào tạo dựa vào nhà trường là một chiến lược bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên đương nhiệm để đạt được thành công trong công cuộc đổi mới dạy học”; đây là một chương trình đào tạo bồi dưỡng mới hợp lý hơn, được tiến hành ngay tại các cơ sở giáo dục.

Một hoạt động của cô và trò trường Mầm non Hoàng Công Chất

Quan điểm bồi dưỡng giáo viên dựa vào thực tế cơ sở giáo dục ở địa phương thể hiện tính phân cấp mạnh cho cơ sở. Chương trình bồi dưỡng không chỉ được quy định từ trên xuống theo hệ thống từ Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống Sở và tới Phòng, mà có thể được nhà trường thiết lập, đề xuất và phát triển từ chính nhu cầu thực tiễn của giáo viên, nhà trường và địa phương.

Như vậy, một chương trình bồi dưỡng giáo viên dựa vào thực tế cơ sở giáo dục ở địa phương tốt cần phải dựa trên những chủ trương chung từ địa phương, kết nối trực tiếp với những ưu tiên trong phát triển chuyên môn của nhà trường, căn cứ trực tiếp từ nhu cầu phát triển chuyên môn của giáo viên nhưng phải phản ánh rõ ràng mức độ ảnh hưởng từ các chính sách phát triển giáo viên từ chính phủ.

Về nội dung, ngoài bồi dưỡng giáo viên về phẩm chất nhà giáo và các nội dung trong chương trình giáo dục, chương trình dạy học hàng năm, do đặc thù cấp học, giáo viên mầm non cần được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng như đảm bảo an toàn cho trẻ, kỹ năng sơ cứu – phòng tránh và xử lý một số tình huống nguy hiểm, bệnh thường gặp ở trẻ em, làm đồ dùng dạy học, xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ, phối hợp với gia đình và cộng đồng, sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin, thể hiện khả năng nghệ thuật trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Các nội dung được bồi dưỡng bao gồm: lý thuyết và thực hành phương pháp giáo dục chung của cả hệ thống (đây là phương pháp giáo dục chuẩn quốc tế với quy trình mang tính chuẩn và yêu cầu tuân thủ cao), chương trình thể dục vận động, xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục, phương pháp sơ cấp cứu cho trẻ, an toàn và dinh dưỡng, các quy trình khác (như liên lạc và giao tiếp với phụ huynh,…), kỹ năng quản lý công việc hiệu quả… Các chương trình bồi dưỡng vừa chú trọng đến lý thuyết, các kỹ năng thực hành trong thực tế lớp học, vừa chú trọng đến các kỹ năng mềm của giáo viên nhằm quản lý hiệu quả công việc hàng ngày trên lớp học.

Về thời gian, đa phần phụ huynh các trường mầm non có nhu cầu gửi trẻ trong cả dịp hè, vì vậy, giáo viên thường có thời gian nghỉ hè ngắn, không theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên theo tiếp cận dựa vào nhà trường diễn ra thường xuyên, liên tục trong suốt năm học là phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Có thể triển khai đa dạng nhiều nội dung bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng liên tục trong năm học, thời gian thuận tiện cho cả giáo viên bồi dưỡng và giáo viên được bồi dưỡng. Các thời điểm khác như “tập huấn định kì theo chuyên đề” và “tự sắp xếp thời gian phù hợp với lịch của cá nhân” có mức độ hiệu quả yếu hơn.

Về hình thức, bồi dưỡng giáo viên mầm non hay còn gọi là hoạt động phát triển chuyên môn nghề nghiệp dựa vào nhà trường bao gồm các hoạt động tập trung vào phát triển kiến thức, kỹ năng của giáo viên nhằm nâng cao chất lượng học tập của giáo viên trong nhà trường. Các hoạt động bao gồm: tự học, tự tra cứu tài liệu; nghiên cứu các thông tin khoa học từ các kênh thông tin như thư viện, website, mạng xã hội; nghiên cứu tác động trên lớp học; tham gia các hội thảo cá nhân hoặc nhóm, làm việc với hội đồng chuyên gia và phản hồi kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân.

Tiết học “Làm quen tác phẩm văn học”- Trường Mầm non Hoàng Công Chất

Tóm lại, hoạt động bồi dưỡng giáo viên theo tiếp cận dựa thực tế cơ sở giáo dục ở địa phương có những ưu điểm rõ rệt: giáo viên được trưng cầu ý kiến về nhu cầu bồi dưỡng; nội dung bồi dưỡng và hình thức bồi dưỡng phù hợp với thực tiễn trên lớp học; giáo viên được trao đổi cơ hội để áp dụng trực tiếp những kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng ngay chính lớp học của mình, giáo viên được hỗ trợ sau quá trình bồi dưỡng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng thực tiễn, được kiểm tra đánh giá hiệu quả áp dụng chương trình bồi dưỡng vào chính hoạt động dạy học, giáo dục của trẻ. Bồi dưỡng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý, để mỗi giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn chuyên môn của mình, đáp ứng yêu cầu đổi mới của xã hội hiện nay.

Tác giả: Ngô Thị Thu Hiền

BÌNH LUẬN