Phát triển văn hoá đọc sách trong sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên

0
146

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và phát triển văn hoá đọc trong toàn xã hội. Ngày 04/11/2021, để đưa văn hoá đọc phát triển sâu rộng, là động lực, công cụ quan trọng góp phần xây dựng nền văn hoá đọc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng chính phủ đã kí Quyết định số 1862/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm để tổ chức “Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Cùng với ý nghĩa đó, việc tuyên truyền, phát triển văn hoá đọc trong sinh viên là rất quan trọng. Phát triển văn hoá đọc trong sinh viên chính là phát triển thói quen, sở thích, hứng thú, nhu cầu và kĩ năng đọc sách của mỗi sinh viên. Phát triển phong trào đọc sách giúp sinh viên tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy tri thức, kinh nghiệm, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, tăng khả năng giao tiếp thông qua việc nhận thức những vấn đề mới; nâng cao năng lực sáng tạo, rèn luyện khả năng ngôn ngữ, kiến thức để tự học, tự nghiên cứu, hoàn thiện bản thân, trau dồi những kỹ năng cần thiết.

Để phát triển văn hoá đọc trong sinh viên, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã không ngừng quan tâm, đầu tư thiết bị, hình thành môi trường đọc thuận lợi cho sinh viên. Số lượng giáo trình, tài liệu, sách tham khảo tại thư viện trường có khoảng hơn 8000 đầu sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc của sinh viên. Bên cạnh đó, trong các giờ học trên lớp giảng viên nhà trường đã hướng dẫn các em các phương pháp đọc sách và tự nghiên cứu sách, lựa chọn các tài liệu tham khảo phù hợp với môn học để tự đọc, tự nghiên cứu. Hàng năm, Nhà trường xây dựng kế hoạch về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn như: tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, tạp chí tại thư viện; tổ chức tuần lễ “Thư viện số – Thư viện xanh”; phối hợp với thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển tài liệu để phục vụ nhu cầu đọc và tham khảo các tài liệu của cán bộ, viên chức và sinh viên tại thư viện; tổ chức cuộc thi “giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chiến thắng Điện Biên Phủ”… thu hút được sự tham gia tích cực của các cán bộ giảng viên, sinh viên trong nhà trường.

          Tuy nhiên, do sự bùng nổ của thời đại công nghệ, của mạng internet với sự phát triển của nhiều loại hình văn hoá nghe, nhìn hiện nay, văn hoá đọc của sinh viên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, cũng có một bộ phận sinh viên chưa có thói quen đọc sách hàng ngày, chưa có kỹ năng tìm kiếm, khai thác nội dung, thường xuyên sử dụng internet là phương tiện tra cứu mà không sử dụng sách in, tìm kiếm đọc những nội dung ngắn mà không kiên trì đọc các cuốn sách dày. Một số sinh viên chỉ học và đọc khi gần thi, học đối phó – học để thi. Tài liệu, sách, báo, sinh viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu làm tiểu luận, bài tập lớn, bài kiểm tra … tức là chỉ khi bị áp chế, bắt buộc, sinh viên mới có ý thức đọc mang tính tức thời. Cách học đó khiến người học không tạo được tính chủ động tích cực trong học tập, nghiên cứu và thói quen đọc sách, mà đọc theo nhu cầu hoặc sở thích. Chính vì vậy, các em trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo để tìm trong đó những kiến thức phục vụ cho việc tự học và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Thư viện nhà trường hiện vẫn còn chưa thật sự đầy đủ, diện tích các phòng đọc còn hẹp, sách được trang bị chưa phong phú về chủng loại và nội dung.

          Để thay đổi thói quen đọc sách và nhằm phát triển văn hoá đọc sách trong sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, trước hết cần:

Nâng cao nhận thức cho sinh viên về vị trí, vai trò của việc đọc. cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến văn hóa đọc cho sinh viên. Cần xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, khả thi, trong đó chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, hướng đến mục đích khuyến khích cho sinh viên phải thường xuyên đọc các tài liệu.

Tăng cường bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu hiệu quả thông qua quá trình đọc sách; kỹ năng phương pháp đọc khoa học cho sinh viên. Bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp đọc khoa học cho sinh viên, chính là giúp cho họ biết lựa chọn những vấn đề mà bản thân cần đọc, cần trau dồi; vận dụng các phương pháp đọc khác nhau đối với mỗi loại tài liệu; tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung đã đọc; vận dụng kiến thức đã đọc vào trong thực tiễn. Đồng thời, mỗi giảng viên khi lên lớp phải xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, tự nghiên cứu cho sinh viên; giảm thời lượng dạy học, yêu cầu sinh viên phải thường xuyên đọc giáo trình, tài liệu tham khảo để bổ sung, tích lũy tri thức về môn học đang nghiên cứu; phối hợp với Thư viện thực hiện các chương trình hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tra cứu thông tin… cho sinh viên vào đầu năm học để định hướng nguồn tài liệu cần thiết phục vụ cho môn học.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách cho sinh viên bằng nhiều hình thức và nội dung khác nhau như: Triển lãm sách, tạp chí, tổ chức hội nghị bạn đọc; thi đọc sách, thuyết trình, giới thiệu về sách … với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đoàn thể trong và ngoài nhà trường, nhất là vai trò tiên phong của Đoàn thanh niên.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thư viện nhà trường; xử lý, kiểm soát, sàng lọc tài liệu để đảm bảo được tính mới, kịp thời, chuyên dụng đối với ngành học Giáo dục Mầm non trong nhà trường hiện nay; hàng năm bổ sung thêm nguồn tài liệu với nội dung đa dạng và phong phú đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên.

 Một số hình ảnh về hoạt động đọc sách của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương

BÌNH LUẬN