Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo cho các bậc phụ huynh

0
120

Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo vô cùng hiếu động, tò mò, ham hiểu biết và luôn sử dụng mọi giác quan để khám phá thế giới xung quanh trẻ. Ở lứa tuổi này trẻ còn quá non nớt để tự bảo vệ mình, nên nguy cơ xảy ra tai nạn với trẻ là rất cao, nếu như thiếu sự quan tâm, định hướng đúng đắn của người lớn hoặc các điều kiện cơ sở vật chất để chăm sóc giáo dục trẻ không đảm bảo an toàn.

Các trường mầm non có nhiệm vụ tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bao gồm: Chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc giấc ngủ, chăm sóc vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và hơn hết là phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế cho thấy có nhiều tai nạn thương tích hết sức thương tâm đã cướp đi sinh mạng và để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo nói riêng và cho trẻ mầm non nói chung là hết sức cần thiết.

Đối với bậc học mầm non, việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội là một việc là một nhiệm vụ thiết thực, tạo sự liên kết và thống nhất giữa trường mầm non và cha mẹ trẻ về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo nói chung, trẻ mầm non nói riêng.

Mục đích của biện pháp này nhằm giúp nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo đến cha mẹ của trẻ để đảm bảo an toàn cho trẻ không chỉ ở nhà trường mà ở cả gia đình, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc, giáo dục trẻ mà ngành giáo dục đã đề ra.

Để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo cho các bậc phụ huynh, các trường mầm non cần thực hiện một số biện pháp sau:

Hiệu trưởng các trường mầm non chỉ đạo cho toàn thể giáo viên tuyên truyền, phổ biến cho cha mẹ trẻ những kiến thức về giáo dục trẻ, hướng dẫn phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích và sơ cứu trẻ khi gặp nạn do cháy bỏng, ngộ độc, hóc dị vật, té ngã.., những kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi dạy con theo khoa học…Những buổi hướng dẫn, trao đổi đó có thể được tiến hành lồng ghép trong các buổi họp phụ huynh hoặc tổ chức riêng dưới dạng những buổi tuyên truyền, tập huấn các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ dành cho phụ huynh, hoặc thông qua những giờ đón, trả trẻ, những buổi giáo viên đến thăm gia đình trẻ em.

Ban giám hiệu chỉ đạo xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên trong trường. Hằng năm, nhà trường mời báo cáo viên về bồi dưỡng các kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về những kiến thức cần thiết liên quan tới các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ.

Lắng nghe ý kiến của cha mẹ trẻ, chủ động xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh. Sẵn sàng tư vấn và giúp đỡ phụ huynh nắm bắt những kiến thức về các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường mầm non bằng  nhiều hình thức khác nhau như: Họp phụ huynh, dán bảng thông báo, xây dựng góc trao đổi với phụ huynh.

Cần thống nhất với cha mẹ trẻ về nội quy, quy chế của trường, các hình thức và biện pháp phối hợp với phụ huynh trong từng giai đoạn và cả năm học, đặc biệt vào kỳ nghỉ hè khi cha mẹ trẻ đi nương làm rẫy, trẻ nhỏ tự chơi với nhau ở nhà.

Liên hệ với lãnh đạo địa phương tổ chức tuyên truyền các nội dung trên tại các buổi họp của Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp, các đoàn thể xã, phường, thị trấn như: Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… Qua đó nội dung tuyên truyền được sâu rộng trong nhân dân.

Phối hợp với địa phương để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của thôn, bản, xã và các khu dân cư với các nội dung: vai trò của việc phòng, chống, tai nạn thương tích cho trẻ; tầm quan trọng của công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở trường mầm non; các kiến thức phòng, chống, tai nạn thương tích cho trẻ; ý nghĩa của hoạt động đảm bảo an toàn cho trẻ.

Ban giám hiệu nhà trường cần nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ mẫu giáo trong các trường mầm non tới các phụ huynh là một khâu rất quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời, từng thành viên trong nhà trường cần phát huy vai trò của mình, kết hợp chặt chẽ với phụ huynh, tạo sự tin tưởng vào việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường mầm non.

Để tạo sự tin tưởng và thu hút sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động đảm bảo an toàn cho trẻ trong các trường mầm non của lớp, của trường, giáo viên phải: lắng nghe ý kiến của cha mẹ trẻ, chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh, sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ khi gia đình có yêu cầu.

Giáo viên cần thông tin đầy đủ cho cha mẹ trẻ về chương trình, chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường bằng nhiều hình thức như liên lạc thường xuyên với cha mẹ trẻ để nắm được tình hình sức khỏe của trẻ, tìm hiểu sinh hoạt của gia đình, thông tin cho cha mẹ trẻ biết về tình hình của trẻ ở lớp để kịp thời phát hiện ra những khác thường ở trẻ để có cách xử trí ban đầu đem lại bảo đảm an toàn cho trẻ trong mọi tình huống.

Tác giả: Ngô Thị Hiền

BÌNH LUẬN