Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo giáo viên mầm non

0
28

Chương trình giáo dục mầm non đóng vai trò nền tảng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ em, giúp định hình các kỹ năng, tư duy, và nhân cách từ những năm đầu đời. Chương trình giáo dục Mầm non hiện hành đã triển khai được 14 năm và đã bộc lộ nhiều hạn chế so với những yêu cầu mới. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới. Từ năm học 2025-2026 đến năm học 2027-2028 sẽ thí điểm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục Mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non. Từ năm học 2029-2030 bắt đầu triển khai áp dụng đại trà trên phạm vi toàn quốc.

Dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp giáo dục. Những thay đổi này không chỉ hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn đặt ra những yêu cầu và thách thức đối với công tác đào tạo giáo viên mầm non – lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giáo dục và chăm sóc trẻ.

Nội dung đổi mới tập trung vào:

– Tiếp cận năng lực định hướng tình cảm – xã hội. Chương trình được đổi mới theo tiếp cận năng lực hướng đến hình thành các giá trị cốt lõi và năng lực chung, dựa trên trục tình cảm – xã hội. Tiếp cận năng lực được thể hiện qua mục tiêu, nội dung của Chương trình và kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực; định hướng phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ; được thống nhất phối hợp thực hiện giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

– Tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em; quan tâm thể hiện quan điểm tiếp cận hoà nhập, công bằng, bình đẳng và tôn trọng trẻ, vấn đề giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, vấn đề phát triển ngôn ngữ (lưu ý tiếng mẹ đẻ) trong xây dựng và phát triển Chương trình GDMN.

– Khẳng định mạnh mẽ hơn quan điểm giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, xem trẻ em là chủ thể trong hoạt động và giao tiếp, trẻ chủ động học qua chơi và trải nghiệm, nhà giáo dục là “người hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục”.

– Liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới.

– Tăng cường tính “mở” của Chương trình.

– Bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình GDMN mới, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng. Gia đình là một đối tác quan trọng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, mọi vấn đề trong giáo dục trẻ em cần và phải thu hút, huy động sự tham gia của gia đình vào cùng giải quyết với nhà trường. Yêu cầu thực hiện Chương trình làm cơ sở để các địa phương và nhà trường có chính sách huy động nguồn lực, sao cho vừa bảo đảm trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm quyền trẻ em và bảo đảm quyền của cán bộ quản lý và giáo viên theo Luật Lao động.

Một điểm nhấn khác trong Dự thảo chương trình giáo dục mầm non là sự tích hợp công nghệ vào giảng dạy. Công nghệ đang thay đổi cách trẻ học tập và tương tác với thế giới xung quanh, vì vậy việc giới thiệu công nghệ vào chương trình học sẽ giúp trẻ phát triển tư duy logic, kỹ năng sử dụng công nghệ và khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra thách thức lớn cho giáo viên mầm non, vì họ cần được trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và cách sử dụng các công cụ công nghệ trong quá trình giảng dạy. Hiện tại, nhiều giáo viên vẫn chưa có kỹ năng cần thiết để tích hợp công nghệ vào bài giảng một cách hiệu quả, do đó hệ thống đào tạo giáo viên cần phải bổ sung các khóa học chuyên sâu về công nghệ giáo dục.

Ngoài ra, phương pháp học dựa trên trải nghiệm là một điểm đổi mới đáng chú ý trong Dự thảo chương trình mầm non mới. Thay vì chỉ dạy lý thuyết, chương trình khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thực tiễn để khám phá và học hỏi từ môi trường xung quanh. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng tự học, sự tò mò và khả năng sáng tạo. Để thực hiện được phương pháp này, giáo viên mầm non cần có khả năng thiết kế và tổ chức các hoạt động học tập phong phú, sáng tạo và linh hoạt. Đây cũng là một yêu cầu mới đối với công tác đào tạo giáo viên, khi các cơ sở đào tạo cần tập trung vào việc rèn luyện cho giáo viên khả năng xây dựng môi trường học tập khuyến khích sự tò mò, khám phá của trẻ.

Mặc dù Dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới mang lại nhiều hứa hẹn những cũng mang lại cho công tác đào tạo giáo viên mầm non nhiều thách thức lớn. Một trong những vấn đề nổi cộm là sự thiếu hụt giáo viên có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, nhiều giáo viên mầm non vẫn chưa được đào tạo đầy đủ các kỹ năng và kiến thức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Điều này đặc biệt rõ nét ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, nơi mà cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo nâng cao còn nhiều hạn chế. Sự chênh lệch này không chỉ làm giảm chất lượng giáo dục mầm non ở các khu vực khó khăn mà còn làm gia tăng sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với giáo dục chất lượng cho trẻ em.

Cùng với đó, việc cơ sở vật chất và tài liệu đào tạo còn thiếu thốn cũng là một trở ngại lớn. Nhiều cơ sở đào tạo giáo viên mầm non vẫn chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, đặc biệt là các công cụ công nghệ hiện đại. Điều này làm cho quá trình đào tạo giáo viên trở nên kém hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở vật chất, đặc biệt là ở các trường sư phạm. Việc cung cấp tài liệu đào tạo cập nhật, sát với thực tiễn cũng là yếu tố quan trọng giúp giáo viên mầm non nắm bắt được những phương pháp giáo dục tiên tiến và áp dụng vào thực tiễn giảng dạy.

Từ những yêu cầu và thách thức đặt ra bởi chương trình giáo dục mầm non mới, rõ ràng rằng công tác đào tạo giáo viên cần có sự cải cách mạnh mẽ. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên theo hướng thực tiễn hơn, tăng cường các khóa học về công nghệ và kỹ năng giáo dục cảm xúc, và tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia các khóa bồi dưỡng liên tục là những giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng giáo viên mầm non. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tinh thần, và điều kiện làm việc cũng cần được cải thiện để thu hút và giữ chân giáo viên mầm non.

Tóm lại, Dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác đào tạo giáo viên, từ việc cá nhân hóa giáo dục, phát triển kỹ năng sống, tích hợp công nghệ cho đến tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, với những cải cách và đầu tư đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một đội ngũ giáo viên chất lượng, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khắt khe của giáo dục hiện đại, từ đó mang lại môi trường học tập phát triển toàn diện cho trẻ em.

Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

BÌNH LUẬN