Hoạt động Nghiên cứu khoa học và Sáng tác mỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên mỹ thuật của trường CĐSP Điện Biên

0
16160

Hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tác mỹ thuật của đội ngũ giảng viên mỹ thuật trường CĐSP Điện Biên trong những năm gần đây khá đồng đều, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng công tác đào tạo của nhà trường. Đội ngũ giảng viên mỹ thuật của nhà trường mặc dù được đào tạo từ các trường với những chuyên ngành mỹ thuật khác nhau, nhưng ngay từ bậc học Đại học đến bậc Cao học, trước khi tốt nghiệp hay bảo vệ tốt nghiệp các giảng viên đều phải đảm bảo đủ 2 yêu cầu là có tác phẩm sáng tác và khóa luận (đối với bậc Đại học), có tác phẩm sáng tác và luận văn (đối với bậc Cao học). Trong công tác dạy học của nhà trường, việc giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học và sáng tác mỹ thuật giúp cho năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên sẽ không ngừng được nâng cao. Nghiên cứu khoa học và sáng tạo mỹ thuật có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi lẽ trong các hoạt động này người nghiên cứu, người sáng tác đều phải tìm ra vấn đề mới và giả quyết vấn đề đến những kết quả cụ thể, có giá trị, độ tin cậy và minh chứng được thành quả của mình. Nghiên cứu khoa học giúp giảng viên giải quyết, cải thiện các vấn đề từ thực tiễn dạy học một cách logic, khoa học, thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy học; sáng tác mỹ thuật giúp cho giảng viên được củng cố kỹ năng nghề nghiệp, làm mới tư duy của mình, tư duy thẩm mỹ ngày càng được nâng cao và mở rộng từ đó vận dụng vào dạy học làm cho kết quả dạy học hiệu quả hơn. Ở hoạt động nghiên cứu khoa học cấp trường việc thẩm định và công nhận công trình nghiên cứu là Hội đồng khoa học nhà trường, trong sáng tác mỹ thuật việc thẩm định và đánh giá chất lượng tác phẩm được thông qua các triển lãm mỹ thuật, các cuộc thi vẽ tranh cấp khu vực, toàn quốc… các triển lãm, cuộc thi này thường do Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam thẩm định và chấm theo hệ thống giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Sinh viên ngành GD – MN trong một tiết thực nghiệm đề tài NCKH của giảng viên mỹ thuật 

Ảnh: Lò Thị Hiền

Sinh viên ngành GD Tiểu học trong một tiết  thực nghiệm đề tài NCKH của giảng viên mỹ thuật

Ảnh: Vũ Hữu Cương

Hiện tại đội ngũ giảng viên mỹ thuật của nhà trường có 04 giảng viên, nếu so với các trường trực thuộc trong ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh đây là đội ngũ có trình độ khá đồng đều và có số lượng nhiều nhất: 02 giảng viên trình độ thạc sĩ (Vũ Hữu Cương – Thạc sĩ Mỹ thuật tạo hình, Lê Thị Thúy Hằng – Thạc sĩ Lý luận dạy học); trình độ cử nhân Sư phạm Mỹ thuật có 02 giảng viên (Lò Thị Hiền, Mai Thanh Hưng). Trong nhiều năm học qua đội ngũ giảng viên này thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học và sáng tác mỹ thuật. Cụ thể như sau:

 

Giảng viên Mỹ thuật nhà trường và các họa sĩ Chi hội Mỹ thuật ngành  GD – ĐT tham dự triển lãm khu vực  III Tây Bắc – Việt Bắc năm 2019

Ảnh: Vũ Hữu Cương

Về hoạt động nghiên cứu khoa học: có một số công trình, bài báo khoa học, sáng kiến kinh nghiệm như “Nghệ thuật tạo hình các tháp cổ của người Lào vùng Tây Bắc” (Vũ Hữu Cương2017); “Nét đặc sắc trong quá trình làm khăm Piêu và Đồ án hoa văn trang trí trên khăn Piêu của người Thái ở Điện Biên” (Lê Thị Thúy Hằng2019); “Giáo dục thẩm mỹ kết hợp với giáo dục ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa trang phục dân tộc Thái trong tổ chức hoạt động vẽ trang trí cho sinh viên ngành sư phạm tiểu học trường CĐSP Điện Biên” (Lò Thị Hiền2019); bài báo khoa học in trong trong kỷ yếu Hội thảo khoa học đề tài cấp tỉnh: “Những biến đổi của nhà sàn truyền thống dân tộc Thái vùng Tây Bắc qua góc nhìn nghệ thuật tạo hình” (Vũ Hữu Cương  – 2018); sáng kiến kinh nghiệm: “Xây dựng phòng thực hành mỹ thuật phục vụ chương trình đào tạo môn Mỹ thuật ở trường CĐSP Điện Biên” (Vũ Hữu Cương – 2019); hướng dẫn nhóm sinh viên nhà trường làm sản phẩm tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Điện Biên năm 2017 “Xây dựng bộ tư liệu hình ảnh tỉnh Điện Biên từ thời Pháp thuộc đến năm 1975”.

Về hoạt động sáng tác mỹ thuật: Hiện tại đội ngũ giảng viên mỹ thuật của nhà trường đều là hội viên Chi hội Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên; trong đó có 02 giảng viên là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là Hội viên Hội VHNT tỉnh (Vũ Hữu Cương, Mai Thanh Hưng). Các giảng viên mỹ thuật của nhà trường ngoài việc thực hiện tốt công tác giảng dạy còn tham gia nhiều hoạt động, lĩnh vực liên quan đến mỹ thuật của trường, của ngành và của tỉnh,… Cụ thể như sau: Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014) tham gia triển lãm và trưng bày tại Quảng trường 7/5 có giảng viên Lò Thị Hiền với những tác phẩm nghệ thuật làm từ chất liệu gạo của Điện Biên, Mai Thanh Hưng với những tác phẩm khắc gỗ mộc bản khổ lớn, Vũ Hữu Cương với các tác phẩm sơn dầu khổ lớn. Từ năm 2014 đến năm 2019, đội ngũ giảng viên mỹ thuật của nhà trường còn tích cực sáng tác tham gia triển lãm khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc với 18 tác phẩm được dự treo, trong đó phải kể đến tác phẩm của các tác giả “Buổi sáng ở Keo Lôm” của Lò Thị Hiền (2015); 02 tác phẩm được tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam “Phiên chợ vùng cao” (2014), “Những cô gái Thái” (2015) của Mai Thanh Hưng; 02 tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam “Hoa trong nắng” (2017), “Xuân về cuối bản” (2019) của Vũ Hữu Cương.

Có thể thấy hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tác mỹ thuật của giảng viên mỹ thuật nhà trường trong một số năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Việc nghiên cứu khoa học hay sáng tác mỹ thuật là đặc thù riêng của bộ môn mỹ thuật, cả 2 vấn đề này đều hữu ích giúp nâng cao năng lực nghề nghiệp, chất lượng dạy học cho giảng viên, góp phần vào chất lượng đào tạo chung của nhà trường, tuy nhiên ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học còn ít đề tài và bài báo khoa học nghiên cứu về hoạt động giảng dạy cụ thể từ các lớp sinh viên của nhà trường. Trong thời gian tới cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên toàn quốc, hy vọng đội ngũ giảng viên mỹ thuật của nhà trường sẽ nhiệt huyết phát huy năng lực, sở trường, nghiên cứu thực tiễn giảng dạy để có những đề tài, bài báo khoa học, tác phẩm nghệ thuật chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giảng dạy bộ môn mỹ thuật của nhà trường.

Tác giả: Vũ Hữu Cương

BÌNH LUẬN