Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của dân tộc. Vì vậy việc chăm sóc giáo dục bảo vệ trẻ em trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, là mối quan tâm hàng đầu của nhiều ngành khoa học, của nhiều nhà nghiên cứu trên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục mầm non là phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.
Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai (Ảnh tư liệu)
Sự nghiệp giáo dục – đào tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược xây dựng con người của đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới sự nghiệp giáo dục – đào tạo, phấn đấu vì mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thế kỷ XXI. Giáo dục mầm non tỉnh Điện Biên đã và đang tự khẳng định được mình, từng bước đi vào thế ổn định và có những sự phát triển vững chắc cả về quy mô giáo dục, số lượng trẻ đến lớp và chất lượng giáo dục.
Thực hiện kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non: Các trường mầm non đã làm tốt công tác huy động trẻ người dân tộc thiểu số đến trường; tăng cường các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dân tộc thiểu số; thực hiện các hình thức tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ một cách linh hoạt, đảm bảo tất cả trẻ dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đặc biệt có nhiều giải pháp trong chỉ đạo thực hiện tốt chuyên đề “Tăng cường nghe, nói tiếng Việt cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số”. Kết quả, năm học 2020-2021: 100% trẻ học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần: 95,6%; 100% số trường, nhóm/lớp thực hiện chương trình GDMN; 100% trẻ mầm non người dân tộc thiểu số đi học được tăng cường tiếng Việt. Để làm tốt công tác chuyên môn, bên cạnh việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ mầm non, các nhà trường luôn quan tâm tới việc bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, vững vàng về phẩm chất chính trị, có đạo đức trong sáng, lành mạnh. Thường xuyên liên hệ cho giáo viên được giao lưu với các trường tiên tiến xuất sắc trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm các lớp. Qua đó giáo viên có thể tham quan, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp nhằm giải quyết các tình huống còn vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần không nhỏ để nâng cao nhận thức trình độ cho mỗi giáo viên trong hoạt động phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ ở trường mầm non.
Lớp trẻ mẫu giáo ở Thị xã Mường Lay tham gia hoạt động tăng cường tiếng Việt
Có thể thấy, phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ là môn học cơ bản, vừa là môn học công cụ để trẻ tiếp thu tri thức và kỹ năng của các bộ môn khác trong chương trình giáo dục. Tuy nhiên, do sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau trong quá trình dạy học, chất lượng phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ em người dân tộc chưa cao, kéo theo sự hạn chế về phát triển năng lực tư duy, ít nhiều tạo ra bất lợi cho việc đạt đến những chuẩn mực trong mục tiêu giáo dục của từng bậc học. Ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn dân cư sống không tập chung, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trẻ, làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc giáo dục trẻ và phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ em người dân tộc thiểu số cũng bị ảnh hưởng theo.
Trước tình hình đó việc nâng cao chất lượng hoạt động phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở các trường mầm non đã được ngành giáo dục tỉnh Điện Biên quan tâm, đầu tư. Bởi nâng cao chất lượng giáo dục ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ ở các trường mầm non nói riêng là tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức ở các cấp học tiếp, góp phần nâng cao chất lượng Giáo dục ở các cấp học của Tỉnh Điện Biên nói chung.
Tác giả: Phạm Thị Thu Hà