Quản lý mạng xã hội – Thực trạng và giải pháp

0
32238

TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐIỆN BIÊN VỚI VẤN ĐỀ

QUẢN LÝ MẠNG XÃ HỘI – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP*

Phạm Hồng Thái

Trưởng phòng CTHSSV

Ngày 30 tháng 8 năm 2018 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã Quyết định (số 3296/QĐ-BGDĐT) Phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với  học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025 qua đó đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng năm.

Trước hết, chúng ta nhận thấy: Thông tin trên Internet vô cùng phong phú và đa dạng, giúp tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tăng tính dân chủ, minh bạch và công khai trong xã hội. Trong các loại hình truyền thông trên Internet, mạng xã hội đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người sử dụng Internet ưa dùng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại. Hiện nay, trên thế giới có đến gần 2 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút.

Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia. Trong đó, đáng chú ý nhất là các hoạt động tung tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt, gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội; phát ngôn gây thù ghét, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; thông tin, hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục; thông tin kích động hận thù dân tộc, tôn giáo, chống phá Nhà nước, phát tán virút, phần mềm độc hại, thực hiện do thám, tình báo mạng, phá hoại quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây chính là những khó khăn, thách thức to lớn mà rất nhiều nước đang phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển Internet tại mỗi quốc gia.

Vậy, định hướng chung về quản lý nhà nước đối với mạng xã hội trong thời gian tới đó là:

Thứ nhất: chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển nhanh và mạnh của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Thứ hai: xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường tính chủ động, kịp thời trong công tác quản lý Internet và mạng xã hội.

Thứ ba: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân khi sử dụng mạng xã hội.

Thứ tư: tăng cường phối hợp quản lý giữa các Bộ, ngành trong nước và giữa các nước trên toàn thế giới.

Đối với trường CĐSP Điện Biên mục tiêu trong năm học 2019-2020

100% sinh viên (SV) nhà trường được giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng đúng quy định, phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giải trí lành mạnh; Xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên, cộng tác viên từ cấp Khoa, Tổ để tổ chức quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV trên môi trường mạng; Tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác SV; đội ngũ quản trị các Website, diễn đàn, mạng xã hội của nhà trường được; Từng bước tiếp cận và thiết lập mạng lưới thông tin giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV trên môi trường mạng từ Bộ, Sở và Nhà trường.

Để thực hiện mục tiêu này cần chú trọng và tập trung vào một số nội dung giải pháp sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; của ngành Giáo dục và địa phương liên quan đến SV.

Tuyên truyền, giáo dục tới SV nhà trường về Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet , các nội dung về đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử trong trường học; kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp; Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường… qua các hoạt động nhằm tự điều chỉnh hành vi tương tác của cá nhân trên môi trường mạng theo hướng tích cực, hiệu quả.

2. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục

Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, hình ảnh, video clip tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV trên mạng xã hội, Website của Trường, các khoa, phòng, ban chức năng, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;

Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng chính trị cho SV thông qua các diễn đàn trên Internet, mạng nội bộ, trang thông tin (Fanpage), nhóm (Group, Confession) trên mạng xã hội;

Tổng hợp các bài  viết, hình ảnh, thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng từ nguồn tin chính thống tại các trang thông tin, cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và địa phương để chia sẻ đến SV thông qua môi trường mạng; tuyên truyền, giáo dục thông qua Email, điện thoại, tin nhắn viễn thông; Cáchoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể, sinh hoạt Đoàn, Hội….

3. Phát triển và quản lý các trang thông tin giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV trên môi trường mạng

Từng bước hoàn thiện chuyên mục diễn đàn trên mạng Internet dành SV nhà trường trên Trang thông tin điện tử (Website) nhà trường; xây dựng và phát triển các trang thông tin (Fanpage), nhóm (Group, Confession) trên mạng xã hội cho SV; kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục giữa trang thông tin của nhà trường với các trang thông tin của các Khoa, Phòng, Ban, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội có số đông SV của nhà trường tham gia;

Từng bước tham gia vào trang thông tin (Fanpage) của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhóm (Group) trên mạng xã hội, nhóm Email tập hợp các trang thông tin cá nhân và Email của cán bộ làm công tác giáo dục chính trị và công tác SV toàn quốc để tạo thành mạng lưới kết nối thông tin giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV thông qua Internet và mạng xã hội từ Bộ đến cơ sở (nhà trường);

Tiếp tục duy trì cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong nhà trường và giữa nhà trường với các cơ quan chức năng trên địa bàn để nắm bắt tình hình tư tưởng của SV trên môi trường mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, phòng ngừa, ngăn chặn các website, trang thông tin giả mạo.

4. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV trên môi trường mạng

Từng bước xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên bao gồm đại diện các Phòng, Ban, Khoa, Tổ, các tổ chức Đoàn, Hội, giáo viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, giáo dục công dân, chủ nhiệm lớp… để, nắm bắt tình hình tư tưởng của SV trên môi trường mạng; tham mưu xử lý theo thẩm quyền những vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của SV;

Phối hợp đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động, thù địch, góp phần bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ uy tín của ngành Giáo dục và Nhà trường.

5. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV

Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý, viết bài, tuyên truyền, định hướng cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên phụ trách công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với SV trên môi trường mạng và đội ngũ quản trị các Website, diễn đàn, mạng xã hội của Nhà trường đảm hiệu quả và chất lượng.

Trường CĐSP Điện Biên với phần lớn sinh viên thuộc các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn khó khăn của tỉnh, Do đó việc thực hiện Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi cá nhân SV, qua đó nâng cao tư tưởng chính trị năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin theo lành mạnh, hữu ích; giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại, sai trái… góp phần ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

*Tài liệu tham khảo:

Lê Quang Tự Do (Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông).

BÌNH LUẬN